10 năm Ba Tri phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo
| On Th517,2022Các cấp, ngành địa phương Ba Tri, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 01/11/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế (gọi tắt là Nghị quyết số 20-NQ/TW) và Kết luận số 50-KL/TW, ngày 31/12/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW (gọi tắt là Kết luận 50-KL/TW) đã đạt kết quả đang ghi nhận.
Bò Ba Tri. |
Nhận thức của đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và người dân đối với việc áp dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vào hoạt động sản xuất, kinh doanh ngày càng được nâng lên, sức lan tỏa của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đã thực sự trở thành phong trào và mang lại hiệu quả thiết thực từ trong các cơ quan hành chính, cơ sở sản xuất, kinh doanh đến mọi người lao động.
Ba Tri đã tạo điều kiện cho các ngành huyện và các hộ dân tham quan, học tập thực tế các mô hình: sản xuất muối ớt tại tỉnh Tây Ninh, nuôi ếch thương phẩm và nuôi tôm càng xanh toàn đực tại Đồng Tháp, nuôi dê thịt trang trại ở Ninh Thuận, nuôi tôm công nghệ cao tại Bạc Liêu và nuôi bò sữa ở Sóc Trăng,… để ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vào hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.
Nhờ đó, 10 năm qua, Ba Tri đã triển khai thực hiện hiệu quả nhiều mô hình ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, điển hình là mô hình trồng rau an toàn, rau hữu cơ ở các xã An Hòa Tây, Mỹ Chánh, Phú Lễ, Tân Thủy được duy trì và mở rộng quy mô sản xuất; nuôi tôm rừng xã An Thủy, Tân Thủy, Bảo Thuận, Bảo Thạnh; nuôi tôm công nghệ cao tại xã An Thủy, Bảo Thuận; nuôi tôm càng xanh toàn đực tại xã An Hiệp; nuôi cá nâu tại xã Bảo Thạnh; canh tác lúa trên vùng đất nhiễm mặn tại xã Mỹ Thạnh; trồng nấm linh chi tại xã Mỹ chánh; tưới nhỏ giọt, tiết kệm nước tại xã Mỹ Nhơn, xã Tân Mỹ.
Điểm nhấn ở Ba Tri là có nhiều nông hộ, gia trại, tổ liên kết, tổ hợp tác đã mạnh dạn đầu tư ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đạt hiệu quả cao trong sản xuất như mô hình sản xuất giống và nuôi thương phẩm lươn đồng từ con giống sản xuất nhân tạo; nuôi bò thịt chất lượng cao; nuôi dê sinh sản; nuôi gà đẻ trứng; trồng nấm linh chi, nấm bào ngư; trồng rau thủy canh, trồng dưa lưới trong nhà kín. Các sản phẩm từ các mô hình này vừa nâng cao thu nhập cho người dân vừa làm nên danh tiếng, hình thành thương hiệu và góp phần hoàn thiện chuỗi giá trị các sản phẩm đặc trưng của huyện nhà.
Nông dân Ba Tri mạnh dạn đi đầu trong việc triển khai các hoạt động sản xuất kinh có tính mới như triển khai nuôi bò sữa tại 14 xã với tổng đàn 2.247 con, đã có 700 bò sữa F1 và F2 đang khai thác sữa đạt sản lượng lên đến 6.800 kg/ngày và đã hình thành trạm thu mua sữa cho nông dân tại địa phương.
Ba Tri còn là huyện triển khai khá sớm và hiệu quả phương thức canh tác nông nghiệp hữu cơ theo tiêu chuẩn PGS, nhân rộng mô hình thả bọ đuôi kiềm tại các vườn dừa và phát triển các chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ lúa, rau hữu cơ, bò, tôm, nghêu, tôm khô, cá khô được duy trì, ổn định và liên tục phát triển.
Trong điều kiện biến đổi khí hậu, Ba Tri đã chủ động và linh hoạt áp dụng, nhân rộng các biện pháp canh tác lúa cải tiến thích ứng với biến đổi khí hậu; mô hình chuyển đổi đất lúa nhiễm mặn sang trồng cỏ nuôi bò theo hướng an toàn sinh học và giảm phát thải khí nhà kính; mô hình chuyển đất lúa không hiệu quả sang trồng màu có giá trị cao. Đây cũng là huyện có dự án điện gió do Công ty Cổ phần năng lượng tái tạo Bến Tre làm chủ đầu tư đã đưa vào hoạt động giai đoạn 1 với công suất 30MW và dự án nhà máy điện gió Bảo Thạnh với công suất 50MW đang trong quá trình lập dự án đầu tư chuẩn bị xây dựng.
Tổ chức thực hiện thí điểm chuyển đổi số tại xã Phú Lễ; Triển khai, sử dụng tốt hệ thống thư viện điện tử, thí điểm triển khai các mô hình dạy – học tiên tiến trên nền tảng số như lớp học thông minh, nhóm học tương tác, tự học với trợ lý ảo…
Trên địa bàn huyện có 02 nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm bò Ba Tri, rượu Phú Lễ và các nhãn hiệu tập thể như rau Phú Nghĩa cho hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Phú Ngãi, tôm khô, cá khô An Thủy. Ủy ban nhân dân huyện đã trao quyền sử dụng và quản lý tốt nhãn hiệu chứng “Rượu Phú Lễ” cho 03 đơn vị: Công ty Cổ Phần Rượu Phú Lễ, HTX rượu nếp truyền thống Phú Lễ, cơ sở Ý Nhi và trao quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “bò Ba Tri” cho 6 đơn vị: HTX Nông nghiệp Mỹ Nhơn, HTX Nông nghiệp Mỹ Chánh, HTX Dịch vụ Nông nghiệp Mỹ Hòa, trại chăn nuôi bò Lưu Văn Cõi, cơ sở mua bán bò Trà Tấn Thanh, cơ sở mua bán bò Nguyễn Thành Quang.
Hỗ trợ các cơ sở sản xuất xây dựng, áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến nhằm nâng cao năng suất chất lượng: hỗ trợ Công ty TNHH Phước xây dựng hệ thống quản lý chất lượng HACCP, Công ty TNHH Kỹ thuật nông nghiệp Nông Thịnh áp dụng tiêu chuẩn VietGAP cho sản phẩm dưa lưới, cơ sở nuôi gà Dũng 12 áp dụng tiêu chuẩn VietGAP cho trứng gà, HTX Nông nghiệp Phú Ngãi áp dụng tiêu chuẩn VietGAP cho rau và lúa, Tổ hợp tác trồng rau An Hòa Tây áp dụng tiêu chuẩn Việt GAP cho rau.
Hỗ trợ Công ty TNHH nhiên liệu xanh Tấn Lê thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ về “Ứng dụng và hoàn thiện công nghệ lò than hóa – nhiệt phân cách ly sản xuất than thiêu kết gáo dừa thân thiện với môi trường”, không sử dụng ngân sách nhà nước và đã được Hội đồng khoa học và Công nghệ đánh giá kết quả đạt yêu cầu để cấp giấy xác nhận kết quả đề tài, tạo điều kiện cho công ty được công nhận là doanh nghiệp khoa học và công nghệ.
Hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của huyện Ba Tri có nhiều chuyển biến tích cực và đạt được kết quả đáng khích lệ như khai thác, sử dụng quyền nhãn hiệu cộng đồng, ứng dụng tiến bộ công nghệ vào chăn nuôi gia súc và nuôi trồng hải sản… Thời gian tới, Ba Tri triển khai các ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo có hiệu quả vào lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản, y tế, bảo vệ môi trường chuyển đổi số, y tế, giáo dục và công nghiệp chế biến, sản xuất để tạo ra được một số sản phẩm chủ lực, đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế – xã hội.
Tập trung hoạt động và đẩy mạnh chuyển giao các tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phù hợp với nông thôn, nhất là áp dụng công nghệ giống, công nghệ bảo quản và chế biến nông sản, thủy sản, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng các sản phẩm nông nghiệp. Thay đổi máy móc, trang thiết bị hiện đại trong sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp tạo ra nhiều sản phẩm mới có tính cạnh tranh cao trong nước và xuất khẩu; duy trì và phát triển các ngành nghề truyền thống ổn định, bền vững, hướng đến đa dạng hóa ngành nghề, mở rộng thị trường.
Đẩy mạnh chuyển giao các tiến bộ khoa học và công nghệ phù hợp về các vùng nuôi trồng thủy sản, xử lý môi trường chăn nuôi, bảo vệ môi trường sinh thái và trong điều kiện thích ứng với biến đổi khí hậu; Tăng cường thực hiện các đề tài dự án lĩnh vực văn hóa – xã hội, công tác giảm nghèo.
Nâng cao năng lực cạnh tranh của một số sản phẩm, ngành kinh tế ưu tiên; Nâng cao năng lực làm chủ, chuyển giao công nghệ góp phần hiện đại hóa và tăng cường năng lực cạnh tranh của các ngành thuộc diện ưu tiên trên địa bàn huyện về chế biến thủy hải sản, các ngành tiểu thủ công nghiệp truyền thống,…
Nâng cao năng lực của đội ngũ quản lý khoa học và công nghệ của huyện, sự hỗ trợ về tiềm lực khoa học và công nghệ chất lượng cao của các trường đại học, viện nghiên cứu trong và ngoài tỉnh.